Hội chứng ruột kích thích: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Hội chứng ruột kích thích là tình trạng rối loạn chức năng ruột già, khiến đại tràng co bóp thất thường gây ra triệu chứng tiêu chảy, đầy bụng… Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này, bạn hãy tham khảo thông tin chi tiết trong bài viết bên dưới.
Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích là một dạng rối loạn chức năng của đại tràng, có khả năng tái đi tái lại nhiều lần. Bệnh còn có tên gọi khác là viêm đại tràng co thắt, ruột co thắt, bệnh đại tràng chức năng, tên tiếng Anh đầy đủ là Irritable bowel syndrome (viết tắt: IBS). Tuy nhiên, hiện nay tình trạng này đã được thống nhất với tên gọi tiếng Việt là hội chứng ruột kích thích.
Tỷ lệ người mắc bệnh chiếm khoảng 5 – 20% dân số và gặp nhiều nhất ở nữ giới, đặc biệt người dưới 45 tuổi.
Trên thực tế, thức ăn trong quá trình tiêu hóa sẽ đi từ ruột non xuống ruột già, lúc này chức năng của ruột già là hấp thụ nước. Các nhu động ruột sẽ giúp bộ phận này đẩy phân ra ngoài. Đối với những người bị hội chứng kích thích ruột, việc co thắt cơ sẽ thất thường, nếu quá mức sẽ gây ra triệu chứng tiêu chảy. Nếu co thắt chậm sẽ khiến người bệnh mắc bệnh táo bón.
Nguyên nhân hội chứng ruột kích thích
Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích vẫn chưa được y học xác định rõ ràng. Tuy nhiên, thông qua một số nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy bệnh lý này có thể xảy ra từ những nguyên nhân trực tiếp như sau:
- Rối loạn co bóp ống tiêu hóa: Nhu động ruột ở đại tràng quá nhanh hoặc quá chậm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa, gây táo bón, tiêu chảy, đầy bụng… và làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích.
- Các vấn đề về tâm thần: Hệ thần kinh trung ương và thần kinh ruột có thể bị rối loạn khi người bệnh gặp phải các vấn đề như suy nhược, rối loạn lo âu, căng thẳng. Sự bất thường ở hệ thần kinh sẽ khiến chức năng ở đại tràng bị rối loạn, ảnh hưởng đến các hoạt động tiêu hóa và phát sinh các triệu chứng lâm sàng.
Ngoài những nguyên nhân trực tiếp trên, triệu chứng hội chứng ruột kích thích sẽ bùng phát mạnh mẽ khi gặp các điều kiện thuận lợi như sau:
- Thực phẩm: Triệu chứng của bệnh sẽ có xu hướng nặng hơn khi cơ thể bị dị ứng hoặc không dung nạp đủ thực phẩm. Ngoài ra, một số loại thực phẩm thường ngày có thể khiến bạn bị đầy bụng, khó tiêu hóa. Cụ thể như bông cải xanh, rượu bia, chất béo, nước ngọt có gas, sữa…
- Căng thẳng: Căng thẳng, lo âu kéo dài sẽ làm tăng mức độ rối loạn của hệ thần kinh ruột và làm triệu chứng của bệnh nghiêm trọng hơn.
- Nội tiết, giới tính: Nữ giới có nguy cơ mắc hội chứng kích thích cao hơn nam giới gấp 2 lần. Hơn nữa, việc thay đổi nội tiết trong thời gian mang thai hoặc hành kinh sẽ khiến dấu hiệu của bệnh diễn biến trầm trọng hơn.
- Các loại thuốc: Sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng sinh, kháng viêm sẽ khiến dạ dày và ống tiêu hóa có nguy cơ bị tổn thương. Khi lạm dụng các loại thuốc này, triệu chứng của bệnh sẽ chuyển biến nặng hơn.
- Bệnh lý: Chức năng của đại tràng có thể bị rối loạn do các bệnh lý như nhiễm khuẩn ruột, viêm dạ dày ruột, sau phẫu thuật cắt túi mật.
Đối tượng có khả năng cao mắc hội chứng ruột kích thích bao gồm:
- Nữ giới có độ tuổi dưới 45 tuổi hoặc có nội tiết tố bất ổn.
- Người có tiền sử gia đình mắc hội chứng ruột kích thích.
- Người có vấn đề về tâm lý như trầm cảm, lo lắng, căng thẳng…
Triệu chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích thường có triệu chứng không rõ ràng và thường bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý đường tiêu hóa khác. Mức độ triệu chứng bệnh còn có sự khác biệt ở từng trường hợp cụ thể.
Một số dấu hiệu thường gặp ở người bị hội chứng ruột kích thích như:
- Đau quặn bụng hoặc âm ỉ, cơn đau sẽ thuyên giảm sau khi đi đại tiện.
- Bụng đầy hơi, chướng bụng.
- Táo bón, tiêu chảy, đôi khi hai triệu chứng này sẽ xuất hiện xen kẽ nhau.
- Phân có chứa chất nhầy nhưng không kèm máu.
Trong một số trường hợp, bệnh lý này có thể gây ra các triệu chứng nặng nề hơn như sụt cân, thiếu máu, chán ăn. Các dấu hiệu của bệnh sẽ tái đi tái lại nhiều lần, xảy ra tối thiểu trong 6 tháng với tần suất ít nhất là 3 ngày/tháng.
Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không?
Hội chứng ruột kích thích là một bệnh lý tương đối lành tính, không gây ra tổn thương thực thể và không làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên, hoạt động co bóp bất thường ở ống tiêu hóa sẽ gây nên tình trạng tiêu chảy, táo bón kéo dài, làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng.
Nếu không kiểm soát tốt, triệu chứng của bệnh sẽ tiến triển dai dẳng và gây ra nhiều biến chứng như:
- Tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ: Tiêu chảy và táo bón lâu dài sẽ làm tăng áp lực lên tĩnh mạch trực tràng và hậu môn. Đám rối tĩnh mạch sẽ bị giãn, ứ huyết và tạo thành các búi trĩ. Mặc dù không đe dọa đến tính mạng người bệnh nhưng bệnh trĩ sẽ gây khó khăn khi lao động, sinh hoạt.
- Suy nhược cơ thể: Ruột già bị rối loạn chức năng sẽ làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể. Cùng với đó, chế độ ăn uống kiêng khem quá mức sẽ khiến cơ thể không được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Do đó, hội chứng ruột kích thích kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng sụt cân, suy nhược cơ thể.
- Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Triệu chứng của bệnh sẽ gây ra nhiều phiền toái trong sinh hoạt, lao động hàng ngày. Bệnh tái đi tái lại sẽ khiến người bệnh cảm thấy lo lắng, chán nản và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý khác.
Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích không có dấu hiệu điển hình nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do đó, trước khi điều trị, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán để xác định tình trạng bệnh chính xác.
Để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích, bác sĩ sẽ dựa vào các tiêu chuẩn như sau:
- Tiêu chuẩn Rome: Dựa trên các triệu chứng điển hình như đau bụng, khó tiêu xảy ra trong ít nhất 3 ngày/tháng, liên tục trong 3 tháng gần đây. Kèm theo đó là triệu chứng tăng số lần đi tiêu và thay đổi độ đặc của phân.
- Tiêu chuẩn Manning: Tiêu chuẩn này tập trung vào tình trạng giảm mức độ đau sau khi đi đại tiện, chất nhầy trong phân, độ đặc của phân, cảm giác đi tiêu không hết phân.
Đối với những trường hợp có các triệu chứng báo động như chảy máu trực tràng, sốt, sụt cân đột ngột, tiêu chảy kéo dài…, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm như sau:
- Nội soi: Bác sĩ sẽ tiến hành nội soi đại tràng sigma và đại tràng để loại trừ các bệnh lý tiềm ẩn.
- Chụp X quang: Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X quang để loại trừ nguyên nhân do nhiễm khuẩn hoặc khối u ở ống tiêu hóa.
- Xét nghiệm phân: Người bệnh có thể được chỉ định thực hiện xét nghiệm phân để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn, ký sinh trùng.
Các cách điều trị hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích có chữa khỏi được không? Theo các chuyên gia, bệnh lý này có thể điều trị khỏi thông qua việc sử dụng thuốc và xây dựng một lối sống lành mạnh.
Hội chứng ruột kích thích uống thuốc gì mau hết bệnh?
Việc uống thuốc Tây y sẽ mang lại hiệu quả chữa bệnh nhanh chóng. Đối với hội chứng ruột kích thích, bác sĩ sẽ kê toa một số loại thuốc cần thiết như:
- Thuốc nhuận tràng: Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng một số thuốc nhuận tràng để làm mềm phân, tăng co bóp cơ quan thành ruột nhằm đẩy phân ra ngoài dễ dàng. Một số loại thuốc nhuận tràng phổ biến như Sorbitol, Bisacodyl, Lactulose. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc này, người bệnh cần uống nhiều nước để hạn chế mất nước và rối loạn điện giải.
- Thuốc trị tiêu chảy: Thuốc được sử dụng nhằm điều hòa nhu động ruột, giảm tần suất đi tiêu và tăng độ đặc của phân. Các loại thuốc trị tiêu chảy thường được sử dụng như Cholestyramine và Loperamide.
- Thuốc giảm đau chống co thắt: Khi người bệnh bị đau bụng quặn kéo dài, bác sĩ sẽ chỉ định uống thuốc chống co thắt nhằm giảm cơn đau do bệnh gây ra. Một số thuốc chống co thắt được dùng như Dipropyline và Hyoscine butylbromide.
- Thuốc chống trầm cảm: Thuốc có tác dụng an thần, giảm đau bụng, giảm táo bón. Hiện nay, loại thuốc chống trầm cảm được sử dụng chủ yếu trong việc điều trị hội chứng ruột kích thích là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc hoặc thuốc chống trầm cảm 3 vòng.
Khi sử dụng các loại thuốc Tây y, người bệnh phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, không được tự ý mua thuốc tùy tiện về uống. Vì các loại thuốc Tây y có thể gây hại cho dạ dày, thận, gan.
Bài thuốc Đông y chữa bệnh
Theo Đông y, hội chứng ruột kích thích được xếp vào các chứng tiết tả, tiện bí, phúc chướng. Nguyên nhân gây bệnh là do rối loạn công năng tạng phủ, đặc biệt là ở tỳ, vị, thận, can và các yếu tố huyết ứ, đàm thấp.
Các bài thuốc Đông y chữa bệnh chủ yếu tác động vào tạng phủ, cải thiện triệu chứng và tăng cường sức khỏe. Dưới đây là một số bài thuốc Đông y chữa hội chứng ruột kích thích bạn nên tham khảo:
- Bài thuốc số 1: Hoắc hương, bạch truật, tô diệp, phục linh, trần bì mỗi vị 12g, bạch chỉ, cát cánh, thần khúc mỗi vị 8g, chích thảo 4g. Bạn tán các nguyên liệu thành hỗn hợp bột mịn. Mỗi lần uống thì lấy 6 – 12g thuốc pha với nước rồi uống.
- Bài thuốc số 2: Hạt sen, bạch truật, đảng sâm, bạch biển đậu, ý dĩ nhân mỗi vị 12g, hoàng kỳ 16g, sa nhân 4g, cát cánh và cam thảo 6g. Người bệnh sơ chế kỹ nguyên liệu và sắc thuốc uống mỗi ngày 1 thang.
Các bài thuốc Đông y thường phát huy công dụng hiệu quả khi đã uống thuốc trong một thời gian dài. Do đó, người bệnh cần kiên trì sử dụng thuốc, không được uống ngắt quãng hoặc bỏ giữa chừng.
Cách chữa hội chứng ruột kích thích bằng dân gian
Nếu mắc bệnh ở mức độ nhẹ, các triệu chứng không quá nghiêm trọng, người bệnh có thể áp dụng các bài thuốc dân gian để điều trị. Một số bài thuốc dân gian hiệu quả có thể được sử dụng để chữa trị bệnh lý này như sau:
- Gừng: Nhờ vào hoạt chất antagonist serotonin, gừng sẽ giúp dạ dày làm việc tốt hơn, chống co thắt và giảm áp lực lên hệ tiêu hóa. Bạn lấy khoảng 4g gừng, cắt nhỏ cho vào nước và đun sôi trong khoảng 10 phút. Uống hết nước gừng khi nước còn ấm.
- Lá vông và tâm sen: Hai loại thảo dược này sẽ giúp cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng dễ dàng và ngăn ngừa tình trạng tiêu chảy, táo bón. Bạn chuẩn bị 8 – 10 lá vông, 8g tâm sen. Chia nguyên liệu trên thành 2 phần và nấu thành 2 bữa canh, dùng như ăn canh bình thường.
- Bột nghệ và mật ong: Nghệ và mật ong là hai dưỡng chất có lợi cho đường ruột, đại tràng và làm giảm triệu chứng tiêu chảy, đau bụng. Bạn trộn 200g bột nghệ và 100ml mật ong, mỗi ngày, ăn 2 thìa hỗn hợp trước bữa ăn 30 phút để điều trị bệnh.
Cách phòng ngừa bệnh hiệu quả
Bên cạnh các phương pháp y tế, người bệnh nên xây dựng một lối sống lành mạnh, khoa học để hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa tiến triển của bệnh.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, phù hợp theo sự hướng dẫn của các chuyên gia y tế. Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có nguy cơ gây bệnh cao.
- Hơn nữa, người bệnh không nên sử dụng các loại đồ uống kích thích như rượu bia, nước uống có gas và hút thuốc lá.
- Rèn luyện thể chất để điều hòa chức năng của hệ thần kinh, giảm rối loạn hoạt động ở đại tràng. Bạn nên dành từ 20 – 30 phút mỗi ngày để chạy bộ, đi bộ, tập yoga, bơi lội…
- Bạn có thể thực hiện các bài tập xoa bóp bụng để kích thích nhu động ruột, cải thiện chức năng của hệ tiêu hóa, giảm triệu chứng đầy hơi, táo bón.
- Giảm khối lượng làm việc, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, đọc sách, hạn chế thức khuya, ngủ đủ giấc…
- Điều trị triệt để các bệnh lý có nguy cơ gây ra tình trạng ruột kích thích như viêm dạ dày, viêm đường ruột, trầm cảm, rối loạn nội tiết.
Thông qua bài viết trên hy vọng bạn đã nắm rõ về hội chứng ruột kích thích, dấu hiệu và nguyên nhân gây bệnh. Tuy không phải là một bệnh lý nguy hiểm nhưng bệnh có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt, tâm lý của người bệnh. Vì thế, chủ động kiểm soát căn bệnh sớm nhất là điều cần thiết.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!