Khô khớp gối là gì? Bị khô khớp gối phải làm sao?
Khô khớp gối là căn bệnh về xương khớp khá phổ biến ngày nay. Căn bệnh này không chỉ xảy ra ở người già mà đang dần có xu hướng trẻ hóa. Vậy khô khớp gối nguyên nhân do đâu, cách điều trị bệnh và phòng ngừa như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ mang đến cho bạn những thông tin bổ ích từ chia sẻ của chuyên gia xương khớp.
Khô khớp gối là gì?
Khô khớp gối là một dạng tổn thương ở khớp. Khi đó, cơ thể không tiết ra lượng dịch bôi trơn khớp hoặc lượng dịch tiết ra quá ít. Khi vận động hoặc thực hiện các cử động, khớp gối bị khô sẽ phát ra tiếng kêu lạo xạo, lục cục.
Khô khớp đầu gối và khớp vai là những vị trí mắc bệnh phổ biến hơn cả. Bệnh thường gặp nhất là ở những người có độ tuổi trên 40. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bệnh khô khớp gối ở người trẻ có dấu hiệu tăng nhanh, xuất hiện nhiều ở những người làm việc văn phòng do ngồi liên tục và ít vận động.
Dấu hiệu của khô khớp gối
Hiện tượng khô khớp gối có nhiều triệu chứng khác nhau. Ở thời gian đầu mắc bệnh, bệnh nhân chỉ cảm thấy có các cơn đau nhẹ khi xoay khớp, gập, duỗi khớp… Sau một thời gian, tình trạng khô khớp gối sẽ xuất hiện các triệu chứng như sau:
- Khớp phát ra tiếng kêu khi cử động: Khớp gối sẽ phát ra tiếng lục cục, lạo xạo khi cử động là dấu hiệu nhận biết phổ biến. Vì dịch bôi trơn không đủ khiến các đầu xương ma sát vào nhau nhiều và phát ra tiếng kêu. Đây là triệu chứng dễ nhận biết mà người bệnh nên lưu ý.
- Đau nhức khớp: Đối với người mắc bệnh khô khớp, cơn đau khớp chỉ thoáng qua và ở mức độ nhẹ. Theo thời gian, cơn đau sẽ xuất hiện với tần suất nhiều hơn và mức độ đau cũng tăng dần.
- Khả năng vận động bị hạn chế: Tình trạng khô khớp gối sẽ khiến hoạt động của người bệnh trở nên hạn chế. Bởi vì các cơ đang dần suy yếu. Đặc biệt khi cơn đau nhức tái phát, người bệnh gần như không thể cử động.
- Cứng khớp: Cứng khớp là tình trạng tất yếu sẽ xảy ra khi cơ thể không có đủ dịch nhờn để bôi trơn các đầu khớp gối. Đặc biệt, triệu chứng cứng khớp sẽ xảy ra nhiều vào mỗi buổi sáng. Khi thức dậy, người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc cử động xương khớp.
Các biểu hiện của khô khớp gối ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, vận động của người bệnh. Do đó, ngay khi phát hiện triệu chứng, bệnh nhân cần lập tức đến bệnh viện để thăm khám. Bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị khô khớp gối kịp thời.
Nguyên nhân gây khô khớp dịch gối
Theo các bác sĩ, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng khô khớp gối. Cụ thể một số nguyên nhân gây bệnh mà nhiều người gặp phải như sau:
- Vấn đề tuổi tác: Bước sang độ tuổi trung niên, cơ thể bắt đầu có những dấu hiệu lão hóa. Các khớp của người bệnh không còn được lớp sụn bảo vệ. Từ đó dẫn tới tình trạng ma sát các đầu xương và gây khô khớp.
- Lao động quá sức: Lao động quá sức, khuân vác vật nặng trong thời gian dài cũng gây ra tình trạng khô khớp gối. Bởi các khớp xương, dây chằng phải chịu một áp lực lớn. Ngoài khô khớp gối, lao động nặng nhọc cũng gây ra nhiều bệnh lý xương khớp khác.
- Lười vận động: Thói quen lười vận động gây ra nhiều bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là bệnh khô khớp gối. Khi cơ và khớp xương ít vận động thì chúng sẽ bị lỏng và rất dễ tổn thương. Tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc bệnh khô khớp và các bệnh về xương khớp khác.
- Chấn thương xương khớp: Các chấn thương xương khớp do lao động, tập luyện thể thao, tai nạn sẽ để lại một vài di chứng. Nếu bị chấn thương nhưng không điều trị đúng cách thì có thể dẫn đến bị khô khớp gối. Một số chấn thương thường gặp như gãy xương, trật khớp, tổn thương dây chằng…
- Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Chế độ dinh dưỡng hàng ngày cũng tác động rất nhiều đến hệ xương khớp của người bệnh. Cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng sẽ sản sinh nhiều gốc tự do. Từ đó, quá trình tái tạo sụn khớp và tiết dịch nhầy cho khớp cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, ăn những thực phẩm không tốt sẽ khiến xương khớp bị suy thoái nhanh chóng và tế bào xương bị tổn thương nghiêm trọng.
- Tăng cân béo phì: Chứng khô khớp gối có thể xảy ra do cơ thể bị tăng cân, béo phì. Khi trọng lượng cơ thể càng lớn, khớp gối sẽ chịu một áp lực nặng nề để nâng đỡ cơ thể.
- Một số nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân trên, bệnh khô khớp gối có thể xảy ra do người bệnh mắc phải một số bệnh lý xương khớp. Trong đó, có thể kể đến bệnh hoại tử xương, viêm khớp, gout hoặc có thể do dị tật bẩm sinh.
Tình trạng khô khớp gối có nguy hiểm không?
Các chuyên gia xương khớp cho biết bệnh khô khớp gối không phải là một bệnh lý quá nguy hiểm. Tình trạng này không đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề như sau:
- Đau nhức trong thời gian dài: Khi bị khô khớp gối, các sụn khớp dần bị bào mòn và lộ các đầu xương. Mỗi khi vận động, hai đầu xương sẽ ma sát với nhau và gây đau nhức. Triệu chứng này sẽ kéo dài và không có dấu hiệu giảm nếu không có can thiệp của y khoa.
- Giảm khả năng vận động: Người bệnh sẽ gặp nhiều trở ngại khi đi lại, leo cầu thang, đứng lên ngồi xuống. Các khớp xương có thể bị mất cảm giác tạm thời và luôn cảm thấy nhức mỏi.
- Teo cơ, biến dạng khớp: Ở giai đoạn nặng, người bệnh có nguy cơ bị chứng teo các cơ bao quanh khớp. Bệnh nhân có thể bị cong vẹo chân sang bên trái hoặc phải. Các hoạt động đi đứng sẽ trở nên khó khăn, khập khiễng và rất dễ ngã.
- Liệt khớp: Liệt khớp là một trong những biến chứng nặng nề nhất. Các khớp căng cứng khiến người bệnh khó vận động. Về lâu dài, người bệnh có nguy cơ bị bại liệt và không thể phục hồi.
- Tổn thương dây thần kinh: Tình trạng khô khớp gối có thể gây tổn thương ở các dây thần kinh. Trong đó, dây thần kinh tọa sẽ dễ bị tác động nhất. Người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức toàn thân và việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bị khô khớp gối phải làm sao? Cách điều trị bệnh
Khi có dấu hiệu bị khô khớp gối, người bệnh nên nhanh chóng đến bác sĩ thăm khám để hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Hiện nay, bệnh nhân có thể điều trị bệnh khô dịch khớp gối theo những phương pháp như sau:
Điều trị bằng Tây y
Uống thuốc Tây y chữa khô xương khớp là phương thức khá phổ biến được nhiều người bệnh lựa chọn. Bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng các thuốc giảm đau nhức. Đồng thời, bác sĩ sẽ kê toa các thuốc giúp phục hồi chức năng khớp.
Một số thuốc được bác sĩ chỉ định sử dụng chữa khô khớp như:
- Các loại thuốc giúp bệnh nhân giảm đau như Paracetamol, Bonlutin, Ibuprofen… Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được chỉ định các loại thuốc bổ khớp như vitamin B12, Collagen type 2…
- Bác sĩ sẽ chỉ định tiêm trực tiếp Acid Hyaluronic vào nội khớp của người bệnh. Hoạt chất này sẽ giúp bôi trơn sụn khớp và giảm ma sát giữa các đầu xương. Liệu pháp này giúp bệnh nhân giảm các cơn đau nhanh chóng nhưng chỉ kéo dài tối đa 1 năm.
Khi dùng thuốc Tây y, người bệnh cần lưu ý uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân không được tự ý mua thuốc về uống vì có thể gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe.
Trong một số trường hợp, người bệnh bị khô khớp gối nặng, các sụn khớp bị tổn thương nghiêm trọng. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật khớp. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ xem xét và thăm khám cẩn thận trước khi chỉ định phẫu thuật. Vì phương pháp mổ cũng có thể tìm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm như bị nhiễm trùng, tụ máu…
Chữa bệnh bằng thuốc Đông y
Bên cạnh sử dụng các thuốc Tây y, người bệnh có thể điều trị khô xương khớp bằng thuốc Đông y. Các vị thuốc Đông y ít gây ra tác dụng phụ, kiểm soát cơn đau và bồi bổ toàn bộ cơ thể.
Theo Đông y, bệnh khô khớp gối có thể xuất hiện do cơ địa của người bệnh hoặc do ngoại tà xâm nhập. Các bài thuốc Đông y giúp cải thiện triệu chứng đau nhức và giúp phục hồi chức năng xương khớp.
Dưới đây là một số bài thuốc Đông y mà người bệnh có thể sử dụng để điều trị khô khớp gối:
- Bài thuốc số 1: Thạch cao, quế chi, kim ngân, tri mẫu, thương truật, ngạnh mễ, tang chi. Liều lượng thuốc theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Bạn sắc các vị thuốc trên với 1500 ml nước. Khi nước cạn còn ¼ thì bệnh nhân tắt bếp và chắt thuốc ra bát để uống. Mỗi ngày, người bệnh chia thuốc thành 3 phần và uống sau khi ăn.
- Bài thuốc số 2: Tần giao, đảng sâm, đương quy, sinh địa, đỗ trọng, độc hoạt, xuyên khung, phòng phong, tang ký sinh. Người bệnh sắc thuốc với 1000ml nước. Sau khi thuốc cạn còn 1 bát và có màu thẫm, người bệnh chắt thuốc ra uống.
- Bài thuốc số 3: Cam thảo, tế tân, ngưu tất, độc hoạt, sinh địa, phòng phong, đương quy. Cách sắc thuốc tương tự như bài thuốc số 1.
Khi uống thuốc Đông y, người bệnh cần tìm đến các trung tâm y học cổ truyền, phòng khám Đông y để được thăm khám và bốc thuốc. Tùy vào trường hợp bệnh. thầy thuốc sẽ lựa chọn các thang thuốc phù hợp với từng bệnh nhân.
Mẹo dân gian chữa bệnh tại nhà
Dân gian lưu truyền rất nhiều bài thuốc có thể điều trị bệnh khô khớp gối tại nhà. Các loại thảo mộc thiên nhiên ít gây ra tác dụng phụ, lành tính nên được nhiều người bệnh lựa chọn. Một số mẹo dân gian người bệnh có thể áp dụng để cải thiện tình trạng khô khớp gối như:
- Lá lốt: Lá lốt có công dụng tuyệt vời trong việc điều trị bệnh đau khớp, khô khớp. Các hoạt chất trong lá lốt sẽ giúp giảm các cơn đau nhức, giảm nhức mỏi tay chân. Mỗi ngày, người bệnh dùng 100g lá lốt nấu nước uống với 1 nắm nhỏ lá xương sông. Người bệnh chia thuốc thành nhiều bữa nhỏ uống trong ngày.
- Cỏ xước: Cây cỏ xước có tính mát, đắng nhẹ và là một dược liệu quen thuộc trong Đông y. Vị thuốc này có tác dụng tiêu viêm, mạnh gân cốt, giảm đau nhức xương khớp. Người bệnh có thể lấy rễ của cây cỏ xước và nấu nước uống mỗi ngày để điều trị bệnh.
- Dây đau xương: Dây đau xương là vị thuốc nam có thể điều trị chứng đau nhức xương khớp, khô khớp. Dây đau xương có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong. Người bệnh chuẩn bị khoảng 25g dây đau xương cùng một nắm cỏ xước. Cho thuốc vào nồi nấu với 2 lít nước. Khi nước sôi, bạn chắt ra để nguội và uống hàng ngày.
Mẹo dân gian chữa bệnh khô khớp gối chỉ thích hợp điều trị cho trường hợp nhẹ, chưa có biến chứng. Khi bệnh đã chuyển biến nặng, người bệnh cần đến bác sĩ thăm khám và điều trị đúng cách.
Biện pháp phòng ngừa bệnh khô dịch khớp gối
Bệnh khô khớp gối ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người bệnh. Vì thế, ngay từ bây giờ, người bệnh nên học cách phòng ngừa bệnh. Một số cách phòng ngừa hiệu quả mà bạn có thể áp dụng như sau:
- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để giúp xương khớp chắc khỏe. Đồng thời giúp người bệnh nâng cao hệ miễn dịch và hỗ trợ phòng ngừa bệnh tật cho cơ thể. Bạn có thể luyện tập các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, bơi lội…
- Bạn nên chú ý giữ tư thế chuẩn, hạn chế sai lệch tư thế trong các sinh hoạt hàng ngày. Hạn chế ngồi cong vẹo, ngồi xổm hoặc mang vác vật nặng thường xuyên. Bên cạnh đó, chị em phụ nữ nên hạn chế mang giày cao gót để giảm nguy cơ mắc bệnh khô khớp gối.
- Xây dựng thói quen sống lành mạnh, khoa học để hạn chế nguy cơ mắc bệnh tật. Chẳng hạn, bạn phải luôn giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, hạn chế thức khuya… Thiết lập thời gian làm việc hợp lý, tránh căng thẳng, lo lắng quá mức.
- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể bằng những nhóm thực phẩm bổ dưỡng như ngũ cốc nguyên hạt, các loại cá béo, rau củ quả, trái cây, dầu oliu… Tránh xa các loại thực phẩm nguy hiểm, gây hại cho xương khớp như đồ ăn nhiều muối, đồ uống có cồn, thực phẩm nhiều dầu mỡ…
- Thăm khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện các bệnh lý trong cơ thể và có phương pháp điều trị kịp thời.
Bài viết trên đã chia sẻ cho bạn tình trạng khô khớp gối mà nhiều người đang mắc phải. Mong rằng, qua những thông tin trên, người bệnh sẽ nhận biết triệu chứng và chữa bệnh một cách hiệu quả. Đồng thời biết cách phòng ngừa để ngăn chặn bệnh tái phát.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!